Thông qua nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ học đã phát hiện ra rằng, trong những ngày đầu học ngôn ngữ, trẻ sẽ cố gắng tạo ra nhiều loại âm thanh khác nhau bằng miệng. Với trẻ, âm phát ra dễ nhất là /pa/ và /ma/. Khi bắt đầu học ngôn ngữ và tiến hành ghép cách phát âm với nghĩa, theo phản xạ trẻ sẽ áp dụng hình thức phát âm dễ dàng với mình. Trong hệ thống ngôn ngữ nhân loại, “ma” là một phát âm khá đặc biệt. Tuy mỗi quốc gia và dân tộc đều có ngôn ngữ của riêng mình nhưng âm “ma” hầu hết đều mang nghĩa “mẹ” và Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Vậy người Trung Quốc cổ đại gọi “mẹ” như thế nào?
Xem thêm: Bàn tiệc Mãn Hán Toàn Tịch và những điều bạn chưa biết
Người Trung Quốc cổ đại gọi “mẹ” thế nào?
母 (/mǔ/: Mẫu)
Từ “母 (/mǔ/: Mẫu)” ban đầu có nghĩa là “母亲 (/mǔqīn/: Mẫu thân/ Mẹ)”, xuất hiện từ thời kỳ chữ giáp cốt vào thời nhà Thương. Hình dạng chữ giáp cốt của “母” là hai bầu ngực trên bộ nữ (女 /nǚ/), tượng trưng cho phụ nữ đang cho con bú. Đây cũng là hình dạng chữ “母 (/mǔ/: Mẫu)” xuất hiện sớm nhất. Sau này xuất hiện cách xưng hô “母亲 (/mǔqīn/: Mẫu thân/ Mẹ)”.
Thời cổ đại, “母” có cách gọi khác là “妣 (/bǐ/: Tỉ). Trong cuốn “Nhĩ Nhã” – bộ từ điển của Trung Quốc thời cổ đại có viết: “父为考,母为妣 (Phụ là khảo, mẫu là tỉ).” Nhưng với sự phát triển của thời đại, nghĩa của từ “妣 (/bǐ/: Tỉ)” dần trở nên hẹp hơn sau thời nhà Đường. Lúc này không còn chỉ “母亲 (/mǔqīn/: Mẫu thân/ Mẹ)” nữa mà được dùng để chỉ người mẹ đã khuất.

娘 (/niáng/: Nương)
Những ai thích xem phim cổ trang thường cho rằng người xưa gọi mẹ là “娘 (/niáng/: Nương)” và trong các bộ phim triều đại nhà Thanh là “额娘 (/éniáng/: Ngạch nương)”. Còn những ai “mê” phim truyền hình của đài TVB thì sẽ cho rằng mẹ được người xưa gọi là “娘亲 (/niángqīn/)”. Tóm lại, có lẽ “娘 (/niáng/: Nương)” là cách xưng hô thường thấy nhất để gọi mẹ của người Trung Quốc cổ đại. Nhưng thực tế có thể không phải như vậy.
Trong cuốn bút ký của mình, nhà văn học, sử học Đào Tông Nghi đã giải thích rõ nguồn gốc của từ “娘” được xem như “孃 (/niáng/)”.
Có thể thấy vào thời nhà Hán, từ “娘” được dùng lẫn hoặc thay thế bởi “孃 (/niáng/)” và người dân không quá thích từ này. Trong cuốn phong tục tập quán “Phong Tục Thông (风俗通)” thời Đông Hán có ghi lại, vào thời Tây Hán mọi người thường gọi góa phụ trẻ là “娘”. Phải đến thời Tùy Đường, “娘” mới được xưng hô thay cho “母亲”.
Vào thời cổ đại ngoài có nghĩa là “mẹ” ra, “娘” còn mang nhiều nghĩa khác nhau. Ví dụ, trong cuốn “Giáo Phường Ký (教坊记)” thời nhà Đường gọi nam giả nữ là “娘”. Hay trong cuốn “Nam sử (南史)” gọi những người phụ nữ trung niên có nước da đẹp và quyến rũ là “娘” như “徐娘 (/Xú niáng/: Từ nương)”, “萧娘 (/Xiāo niáng/: Tiêu nương)”,… Nhà thơ Lý Hạ thời nhà Đường gọi gái lầu xanh là “花娘 (/huā niáng/)”.
Có lẽ phụ nữ xưa có địa vị thấp nên người Trung Quốc cổ đại không quá gay gắt với cách dùng từ “娘”. “娘” chỉ được dùng trong xưng hô hàng ngày. Còn trong những dịp quan trọng, không được gọi mẹ là “娘”.
Vậy người Trung Quốc cổ đại gọi mẹ là gì?

Cách gọi “mẹ” qua các triều đại
Vào trước thời nhà Hán, người xưa gọi mẹ là “母 (/mǔ/)”, trong văn viết thường diễn đạt là “妣 (/bǐ/)”.
Đến thời nhà Hán, “母” được dùng nhiều hơn trong văn viết, còn “妣” dùng để chỉ người mẹ quá cố. Do đó vào thời kỳ này, “mẹ” thường được gọi là “社 (/shè/: Xã)” hoặc “姐 (/jiě/: Tỷ)”.
Thời Nguỵ – Tấn Nam Bắc Triều, với sự mở rộng về phía nam của người dân du mục phía bắc, vùng Trung Nguyên mở ra thời kỳ hội nhập các dân tộc, cách gọi “mẹ” cũng có thay đổi nhất định. Lúc này, mẹ được gọi là “家家 (/jiājiā/: Gia gia)” hoặc “阿家 (/ā jiā/: A gia)”. Tuy nghe hơi lạ nhưng không chỉ riêng Bắc Triều gọi mà đến cả Đông Tấn, Tề, Lương ở phía Nam đều gọi như vậy.
Đến thời nhà Tống, “姐姐 (/jiějie/: Tỷ tỷ)” trở thành cách gọi khác dành cho mẹ.
Ngoài ra, từ “妈妈 (/māma/)” xuất hiện sớm nhất vào thời Hán Nguỵ nhưng phải đến sau thời Tống – Nguyên mới trở nên phổ biến.

Nguồn gốc của “妈妈 (/māma/: Mẹ)”
Từ “妈 (/mā/)” đơn âm tiết xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với từ “妈妈 (/māma/)” song âm tiết. Từ thời Tam Quốc đã có cách gọi “妈 (/mā/)” nhưng trong văn viết chủ yếu vẫn dùng “母亲 (/mǔqīn/).
Vào các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh, với sự xuất hiện của thể văn nửa bạch thoại như tiểu thuyết, tạp kịch, cách diễn đạt văn nói trở nên phổ biến hơn. Cũng giống như cách gọi “娘 (/niáng)”, do phụ nữ xưa có địa vị xã hội thấp nên cách gọi này cũng sinh ra nhiều ý nghĩa khác. Ví dụ như “妈妈” có thể chỉ người phụ nữ đã có gia đình hoặc phụ nữ lớn tuổi đã kết hôn.
Kết
Người Trung Quốc xưa có nhiều cách gọi mẹ như “娘”, “母亲”, “妈妈”, “社”, “阿家”, “姐姐”. Sự khác nhau giữa văn nói và văn viết của người cổ đại mang đến khó khăn cho đời sau. Trong đó, khó khăn nhất phải kể đến là vấn đề phát âm của người cổ đại. Thời xưa không có máy ghi âm nên rất khó để phân biệt một từ trong ngữ cảnh đó phát âm thế nào. Ngoài ra còn có những sự khác biệt trong tiếng địa phương ở các khu vực.
Tên xưng hô vô cùng quan trọng, nếu quay về thời cổ đại và chọn nhầm cách xưng hô đối với “mẹ” thì sẽ bị coi là vô lễ.
Trên đây là những giải thích của ChineseRd về cách gọi “mẹ” của người Trung Quốc cổ đại.
Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều câu chuyện vĩ đại về người mẹ như mẹ Mạnh Tử chuyển nhà ba lần vì con, người mẹ dạy con bằng cách viết chữ lên nền đất bằng lau sậy,… Có thể nói những bà mẹ vĩ đại âm thầm hi sinh bản thân vì con, vì nước. Nhân Ngày của mẹ, chúc các bà mẹ trên thế giới luôn vui vẻ, mạnh khỏe và gặp được nhiều điều tốt đẹp nhất!
Mong rằng thông qua bài viết “Người Trung Quốc cổ đại gọi “mẹ” như thế nào”, các bạn sẽ có cái nhìn kĩ hơn về diễn biến cách gọi “mẹ” qua các triều đại Trung Quốc.
Nguồn tham khảo: xatvs, sohu
Tìm hiểu: Bật mí bộ trang điểm Trung Quốc thời cổ đại
Phản hồi: Cách gọi "bố" ở Trung Quốc thời cổ đại ra sao? - Con Đường Hoa Ngữ